Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đã lựa chọn hình thức giảng dạy trực tuyến để củng cố kiến thức cho học sinh. Học tập trong thời dịch bệnh Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc năng lực mà trường học cần trang bị cho học sinh để thích nghi với những biến cố, thay đổi không ngừng của thời đại.
Học sinh vẫn chưa thực sự có ý thức và kỹ năng tự học
Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều trường đã thiết lập các hình thức học tập trực tuyến để thầy cô hướng dẫn học sinh làm bài tập. Khi các bài giảng online và các bài tập được gửi mỗi ngày, với những điều kiện hỗ trợ công nghệ và tình hình gia đình khác nhau, năng lực tự học của học sinh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhiều tỉnh, thành cũng đã xây dựng các chương trình dạy học trên truyền hình nhằm củng cố kiến thức cho học sinh, nhất là các em đang học lớp cuối cấp ôn tập các bài đã học, triển khai bài học mới để kịp thời gian, chương trình, kế hoạch năm học này.
Học trên truyền hình hay học trực tuyến là giải pháp thích hợp để học sinh tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình này bị hạn chế bởi thời gian và không gian tương tác, công nghệ và điều kiện của mỗi gia đình. Điều này đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học và chủ động.
Cần sự hướng dẫn của nhà trường và sự đồng hành của gia đình
Kỹ năng tự học là khả năng tư duy độc lập, tích cực để thu thập, chọn lọc, phân tích, phản biện và từ đó hình thức kiến thức mới. Hình thành kỹ năng tự học tức là giúp học sinh có phương thức tư duy có ý thức. Đặc biệt, không chỉ có khả năng tự giải quyết vấn đề mà học sinh cũng cần kỹ năng tự đánh giá để biết rõ hạn chế cần khắc phục và rèn luyện cũng như tìm hiểu thông tin bổ sung.
Những kỹ năng này cũng cần được các nhà trường hướng dẫn, và cần sự phối hợp tích cực giữa phụ huynh với giáo viên.
Vai trò của giáo viên trong quá trình này là rất quan trọng. Thầy cô là người tạo môi trường và tình huống để học sinh có thể rèn luyện khả năng tự giải quyết vấn đề thông qua việc Tổ chức hoạt động học và Dạy cách học.
Để làm được điều đó, giáo viên phải nắm vững quá trình hình thành nhận thức, thường xuyên cập nhật, thay đổi vật liệu, chọn bài tập ứng dụng có tính thực tế, liên hệ kiến thức với cuộc sống để hấp dẫn học sinh.
Từ đó, giáo viên tổ chức hoạt động học theo hình thức: Thầy giao việc – Trò làm việc; Thầy là người hướng dẫn – Trò tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức. Thầy không giảng giải, truyền thụ một chiều – Trò không thụ động tiếp thu mà tích cực, chủ động, tự học.
Việc học bắt đầu từ hoạt động tự khám phá của học sinh thông qua giác quan, kinh nghiệm có sẵn, đến hoạt động tổng hợp, phân tích với mô hình, hình ảnh và cuối cùng là hoạt động hình thành kiến thức chuyển vào trong bộ não. Lúc này, học thực sự là công việc tự thân của học sinh và năng lực tự học cũng được hình thành một cách tự nhiên.
Phương pháp này không chỉ rèn luyện khả năng tư duy độc lập mà còn tạo thói quen chủ động tìm kiếm tri thức từ những trải nghiệm mới trong cuộc sống. Như nhà giáo dục John Dewey từng nói, “Giáo dục không phải chuẩn bị cho cuộc sống, giáo dục chính là cuộc sống”.
Vì vậy, trong thời gian nghỉ học tại nhà, với kỹ năng tự học, học sinh không chỉ dừng lại ở tiếp thu kiến thức qua việc học trực tuyến mà hoàn toàn chủ động tiếp cận với những điều mới như làm việc nhà, học nhạc cụ mới, đọc nhiều sách hơn, giao tiếp với ông bà hoặc hiểu biết hơn về văn hóa ở các vùng quê…
Kỹ năng tự học không phải là đòi hỏi nhất thời trong thời gian dịch bệnh mà đó là một trong những năng lực tiên quyết của công dân toàn cầu và công dân thời đại số. Để giúp học sinh hình thành khả năng quan trọng này, nhà trường cần quan tâm và chú trọng hơn phương pháp dạy học tích cực.